Bước đầu bàn về khái niệm “Giao tiếp” trong “Đường hướng giao tiếp đối với dạy ngôn ngữ”

Tác giả: PGS. TS. Trần Xuân Điệp - Cập nhật: 9/15/2014

Từ lâu cụm từ “Đường hướng giao tiếp đối với dạy ngôn ngữ” đã trở nên rất quen thuộc trong địa hạt dạy ngọai ngữ, nhất là dạy tiếng Anh. Ngôn ngữ học ứng dụng chủ yếu bàn đến phương pháp dạy ngôn ngữ. Cơ sở của phương pháp dạy ngôn ngữ là sự mô tả ngôn ngữ và phưong pháp học. Mô tả ngôn ngữ thuộc địa hạt ngôn ngữ học, còn phương pháp học thuộc tâm lý học giáo dục (educational psychology). Bài viết dưới đây nhằm tìm hiểu nội dung của khái niệm “giao tiếp” trong cụm từ nói trên và ý nghĩa của nó trong các khâu của việc dạy ngôn ngữ. Trên cơ sở nội dung của khái niệm “giao tiếp”, bài viết cũng tìm cách lý giải hiện trạng gây nhiều tranh cãi về năng lực giao tiếp của người học tiếng Anh ở Việt Nam.

 

A. DẪN NHẬP

Trong lĩnh vực đào tạo ngoại ngữ mà cụ thể là đào tạo tiếng Anh, đường hướng giao tiếp (Communicative Approach to Language Teaching hay còn được gọi tắt là Communicative Language Teaching - CLT) hầu như là phổ biến khắp mọi nơi, trong nước cũng như trên thế giới. Nội dung cơ bản của đường hướng này có thể được tóm lại: “Ngôn ngữ không phải chỉ là để giao tiếp mà còn là chỉ có thể có được khi thông qua giao tiếp”. Thuật ngữ “giao tiếp” (communication) vốn xuất phát từ một lối nói thường tục nên được hiểu rất khác nhau. Bài viết này bàn đến nội dung của thuật ngữ này trong “Đường hướng giao tiếp đối với dạy ngôn ngữ” hay trong “Dạy ngôn ngữ theo đường hướng giao tiếp”. Bản thân giao tiếp là một địa hạt lớn nên khuôn khổ bài viết này cũng mới chỉ cho phép dừng lại ở những vấn đề cơ bản của khái niệm có liên quan trực tiếp như: định nghĩa, các loại giao tiếp, thành phần của giao tiếp thực tế, chức năng của giao tiếp, thuộc tính của giao tiếp, những tố chất của một người có năng lực giao tiếp. Đồng thời tác giả cũng xin nêu một số suy nghĩ về việc quán triệt yếu tố giao tiếp trong đào tạo tiếng Anh, ở Việt Nam.

 

B. PHÁT TRIỀN

2.1. Khái quát về sự ra đời của ý tưởng “giao tiếp” trong nghiên cứu và dạy ngôn ngữ

Trên thế giới, đặc biệt là thời kì sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2, nhu cầu sử dụng ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh như một ngôn ngữ quốc tế, trong nhiều khu vực hoạt động đặt ra là làm thế nào để có thể nhanh chóng giao tiếp hữu hiệu được bằng ngoại ngữ. Chính nhu cầu này đã làm nảy sinh ý tưởng giao tiếp trong nghiên cứu và dạy ngôn ngữ. CLT xuất phát từ sự chuyển trọng tâm nghiên cứu ngôn ngữ từ hình thức/ mã hiệu (code) ngôn ngữ sang việc sử dụng ngôn ngữ nhằm mục đích giao tiếp. Nói cách khác, trọng tâm nghiên cứu ngôn ngữ đã đi từ hình thức (form) sang chức năng (function) (Trần Xuân Điệp, 2006). Tên gọi “chức năng” xuất phát từ quan niệm cho rằng ngôn ngữ ra đời, tồn tại và phát triển là do các chức năng xã hội của nó. Việc hiện thực hóa các chức năng văn hóa xã hội chính là giao tiếp. Như vậy, CLT chính là làm sao để người học có thể sử dụng được ngôn ngữ trong giao tiếp thực tế (chứ không dừng lại ở việc nắm được các mã hiệu ngôn ngữ). Hymes (1972) đưa ra khái niệm “communicative competence” (năng lực giao tiếp) trong bài “On Communicative Competence” (Bàn về năng lực giao tiếp) đăng trên “Sociolinguistics”, và phân biệt 4 năng lực thành phần như sau:

+ Linguistic competence (Năng lực ngôn ngữ)

+ Socio-cultural competence (Năng lực văn hóa-xã hội)

+ Discoursal competence (Năng lực diễn ngôn)

+ Strategic competence (Năng lực về chiến lược giao tiếp)

Như vậy, để giao tiếp được, thì năng lực ngôn ngữ là cần nhưng chưa đủ và dạy ngoại ngữ không chỉ dừng lại ở việc trang bị cho người học một năng lực ngôn ngữ mà phải vươn tới để trang bị cho họ một năng lực giao tiếp. Tuy bài báo nói trên nhấn mạnh đến sự chuyển trọng tâm trong nghiên cứu ngôn ngữ từ mã hiệu ngôn ngữ sang quá trình giao tiếp nhưng không chú trọng đến bản thân khái niệm giao tiếp. Để hiểu rõ ý tưởng gaio tiếp trong nghiên cứu và dạy ngôn ngữ, phần tiếp theo sẽ bàn đến những vấn đề cơ bản của khái niệm này.

 

2.2. Một số vấn đề cơ bản của giao tiếp

2.2.1. Định nghĩa: Các học giả khác nhau đưa ra những định nghĩa khác nhau về giao tiếp. Tuy nhiên, liên quan trực tiếp đến phạm vi bàn đến của năng lực giao tiếp nhìn từ bình diện ngôn ngữ học và dạy ngôn ngữ thì giao tiếp có thể được xem là một quá trình giao dịch tạo nghĩa  ─ “transactional process of creating meaning” (Verderber, 1999). Một quá trình giao dịch là một quá trình trao đổi ý tưởng và tình cảm/ thái độ của những người tham gia giao tiếp. Như vậy. theo định nghĩa này thì giao tiếp không hề giới hạn ở việc dùng phương tiện ngôn ngữ (giao tiếp hữu ngôn – verbal communication). Có thể hiểu: giao tiếp trong thực tế còn có thể là mọi loại giao dịch không dùng ngôn ngữ (giao tiếp phi ngôn – nonverbal communication). Nói tóm lại:  Quá trình giao dịch này có thể được tiến hành dưới 2 hình thức hữu ngônphi ngôn.

 

2.2.2. Giao tiếp hữu ngôn và phi ngôn

2.2.2.1. Giao tiếp hữu ngôn

Theo góc độ giao tiếp thì ngôn ngữ ra đời, tồn tại, và phát triển đều do giao tiếp. Do con người giao tiếp bằng ngôn ngữ nên ngôn ngữ học mã hiệu (code linguistics) có vai trò rất lớn trong việc mô tả quá trình giao tiếp đó. James (1982) cũng cho rằng, bản thân ngôn ngữ không thôi thì không giao tiếp được và kiến thức về ngôn ngữ chưa đủ để giao tiếp thành công nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng, kiến thức về ngôn ngữ là một điều kiện cần bởi vì không thể có giao tiếp hữu ngôn nếu thiếu mã (hình thức ngôn ngữ) đó. Giao tiếp hữu ngôn cũng là cả một địa hạt lớn thuộc ngôn ngữ học vĩ mô (Trần Xuân Điệp, sđd).

Trước hết, về định nghĩa ngôn ngữ, hiện vẫn chưa có một sự nhất trí chung của các học giả. Song, để phù hợp với mục đích của công trình, ngôn ngữ có thể được xem là một phương tiện mang tính hệ thống thông qua những âm thanh và mã hiệu nhằm giao tiếp các ý tưởng và tình cảm. Với tư cách là một phương tiện giao tiếp, ngôn ngữ có những chức năng cơ bản sau đây:

a.                    Xác định, dán nhãn, và định nghĩa

b.                    Đánh giá

c.                    Nói về những điều không trực tiếp mục kích

d.                    Nói về bản thân ngôn ngữ

 

Một cách khái quát, có thể nói: ngôn ngữ học truyền thống chỉ ra rằng để giao tiếp được bằng một ngôn ngữ con người cần đến một sự lồng ghép các thành tố ngôn ngữ như âm thanh, ngữ pháp, và từ vựng của ngôn ngữ đó. Do vậy, ngôn ngữ học truyền thống (hay mã hiệu) tự chia thành các phân ngành đi sâu vào việc mô tả những thành tố đó. 

Tuy nhiên, do sự phát triển của ngôn ngữ học, ngôn ngữ học vĩ mô nghiên cứu không phải chỉ là bản thân mã hiệu ngôn ngữ (đối tượng chính của ngôn ngữ học vi mô) mà cơ bản là việc sử dụng những ký hiệu ấy vào giao tiếp trong thực tế. Đây là cơ sở ra đời của nhiều phân ngành ngôn ngữ học khác như: Ngữ dụng học, Ngôn ngữ học xã hội, Dân tộc học ngôn ngữ, Phân tích diễn ngôn vv… Trên thực tế, việc nghiên cứu ngôn ngữ ngày nay, theo xu hướng ngôn ngữ học vĩ mô (hay nghiên cứu ngôn ngữ theo đường hướng giao tiếp), là nghiên cứu liên ngành.

Như trên đã nêu,  giao tiếp là quá trình giao dịch tạo nghĩa. Trong giao tiếp hữu ngôn, một cách khái quát nhất, có thể phân biệt 2 loại nghĩa chính: nghĩa biểu vật (denotational) – chức năng “gọi tên” và nghĩa biểu cảm (connotational) – chức năng tình thái. 

 

2.2.2.2. Giao tiếp phi ngôn

Như đã nêu trên, ngôn ngữ là điều kiện cần như chưa đủ để giao tiếp. Nhiều công trình nghiên cứu đã chỉ ra rằng: trong giao tiếp trực diện, hành động hoặc các yếu tố giao tiếp phi ngôn khác chuyển tải tới 90% ý nghĩa (Mehrabian, 1991). Giao tiếp phi ngôn cũng là một địa hạt rộng, phạm vi công trình này cũng chỉ cho phép kể đến những vấn đề cơ bản như: bản chất, các bình diện của giao tiếp phi ngôn, sự dị biệt giữa giao tiếp phi ngôn và giao tiếp hữu ngôn, chức năng của giao tiếp phi ngôn, các hình thức giao tiếp phi ngôn, và ở mức độ khái quát nhất.

 

a. Bản chất và các bình diện của giao tiếp phi ngôn:

Có thể nói: giao tiếp phi ngôn chỉ mọi mặt/ hoạt động giao tiếp mà không dùng ngôn ngữ. Giao tiếp phi ngôn có thể được xem xét từ 2 bình diện:

- Thứ nhất, giao tiếp phi ngôn là giao dịch tạo nghĩa bằng hành động (như động tác cơ thể…) hay bằng những yếu tố phụ trợ (như đặc tính âm thanh…), đó là những yếu tố nằm ngoài ngôn ngữ nhưng trực tiếp thuộc về cơ thể người giao tiếp.

- Thứ hai, giao tiếp phi ngôn là giao dịch tạo nghĩa bằng những yếu tố không trực tiếp thuộc về cơ thể người giao tiếp nhưng do người giao tiếp sử dụng mà tạo nghĩa (như cách ăn mặc, không gian, thời gian, cách trang trí, khoảng cách giữa những người giao tiếp…).

Như vậy, 2 bình diện này khác nhau ở một điểm là các yếu tố phi ngôn đó có trực tiếp thuộc về cơ thể người giao tiếp hay chỉ là thông qua việc sử dụng của người giao tiếp mà tạo nghĩa.

 

b. Sự dị biệt giữa giao tiếp phi ngôn và giao tiếp hữu ngôn

- Giao tiếp phi ngôn mơ hồ hơn giao tiếp hữu ngôn: một nụ cười có thể được hiểu theo nhiều ý nghĩa rất khác nhau: đồng ý, không đồng ý, không hiểu, vv….

- Giao tiếp phi ngôn diễn ra liên tục: Trong khi giao tiếp hữu ngôn chỉ diễn ra khi có ngôn ngữ thì giao tiếp phi ngôn kéo dài đến khi người giao tiếp không còn hiện diện nữa mới thôi.

- Giao tiếp phi ngôn mang tính đa kênh (multichanneled): Trong khi các tín hiệu ngôn ngữ xuất hiện theo trình tự từng đơn vị thì các tín hiệu phi ngôn có thể xuất hiện cùng một lúc thông qua 5 giác quan. Ví dụ sắc giọng, vẻ mặt, động tác chân tay, cách ăn mặc, không gian và thời gian giao tiếp … có thể được lồng ghép với nhau để tạo nên một ý nghĩa nào đó.

- Giao tiếp phi ngôn đáng tin hơn trong trường hợp 2 loại thông điệp này không nhất quán với nhau. Do giao tiếp hữu ngôn có thể được tính toán cẩn trọng nhằm đánh lừa đối tác giao tiếp nên người ta thường tin vào độ trung thực của các thông điệp phi ngôn. 

- Giao tiếp phi ngôn cho phép hiểu trạng thái tình cảm thấu đáo hơn. Bằng ngôn từ người giao tiếp có thể mô tả tình cảm/ thái độ rất khác nhau song chỉ có các thông điệp phi ngôn mới phản ánh được tình cảm/ thái độ thực.

- Giao tiếp phi ngôn ở những nền văn hóa khác nhau mang nhiều yếu tố tương tự hơn giao tiếp hữu ngôn: Tuy có những dị biệt nhất định song nhiều nền văn hóa khác nhau đều có những tương đồng nhất định trong việc sử dụng những tín hiệu giao tiếp phi ngôn như: gật đầu, lắc đầu, chỉ tay, mỉm cười, chau mày.... Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy vẻ mặt thể hiện các trạng thái tình cảm như vui, buồn, bực, sợ, ngạc nhiên… là tương tự trong nhiều nền văn hóa.

 

c. Chức năng của giao tiếp phi ngôn

Tuy có sự phân biệt nói trên nhưng trong giao tiếp thực tế 2 loại giao tiếp này luôn lồng ghép với nhau. Bên cạnh giao tiếp hữu ngôn, giao tiếp phi ngôn có thể có các chức năng cơ bản sau đây:

- Bổ sung nghĩa cho cho ngôn từ. Động tác tay, nét mặt, động tác cơ thể, giọng điệu … có thể làm gia tăng nghĩa của ngôn từ được sử dụng.

     - Đối lập với nghĩa của ngôn từ. Khi nói “đồng ý” nhưng cách nói (giọng điệu, nét mặt, cử chỉ…) làm cho người nghe hiểu rằng người nói “không đồng ý” hoặc miễn cưỡng “phải đồng ý”

     - Thay thế nghĩa của ngôn từ. Sau một kích thích hữu/ phi ngôn, người nhận thông điệp có thể phản hồi bằng một tín hiệu phi ngôn.  

     - Quy định dòng tương tác ngôn từ. Qua tín hiệu phi ngôn mà người giao tiếp biết lúc nào thì bắt đầu, tiếp tục, kết thúc, hay không nói (nữa).

    

d. Các hình thức giao tiếp phi ngôn

Căn cứ trên 2 bình diện xem xét giao tiếp phi ngôn đã trình bầy trong a. có thể phân biệt 4 hình thức giao tiếp phi ngôn. Cách hệ thống hóa này dựa trên quan niệm lấy ngôn ngữ làm trung tâm và rằng khẩu ngữ là hình thức ngôn ngữ tự nhiên nhất. 4 hình thức dưới dây được sắp xếp theo trật tự từ gần nhất đến xa nhất đối với cơ quan cấu âm (của người giao tiếp):

     - Kèm ngôn (paralanguage): Bao gồm các yếu tố liên quan đến âm thanh của ngôn ngữ, chỉ ra cách thức nói chứ không phải điều được nói ra. Kèm ngôn gồm 2 khu vực chính:

+ Đặc tính âm thanh (vocal characteristics): Đặc tính âm thanh bao gồm cao độ của giọng nói (pitch), độ to/ nhỏ của giọng nói (volume), tốc độ nói (rate), tính chất của giọng nói (quality).

+ Xen lời (vocal interferences). Những cách xen lời là những âm thanh do người giao tiếp phát ra gây gián đoạn đối với lời nói, gây phân tâm, và ảnh hưởng đến giao tiếp.

     - Ngôn ngữ cơ thể (body language): Bao gồm:

+ Ánh mắt (eye contact), và nét mặt (facial expression)

+ Cử chỉ (gesture) – động tác của đầu, mình, ngón tay, bàn tay, và cánh tay khi giao tiếp.

     - Tự thể hiện (self-presentation): Là lối giao tiếp phi ngôn thông qua cách thức thể hiện bản thân của người tham gia giao tiếp, bao gồm:

+ Ăn mặc (clothing). Ví dụ, trong văn hóa Anh-Mỹ, các sự kiện mang tính xã hội như hội họp, tập trung vv… đều quy định rõ cách ăn mặc như có ghi ở phía dưới thư/ giấy mời (như dân dã, trang trọng…).

+ Động tác tay (touch/ haptics) – xoa đầu, vỗ vai/ lưng, bắt tay, ôm (embrace), ôm hôn (hug), bế (hold), cù (tickle), cấu véo (pinch), tát (slap), đánh (stroke)….

+ Xử lý thời gian (time use and structure/ chronemics). Trình tự thực hiện hành động (time sequence) (Hickson & Stacks, 1995), cách thức xử lý thời gian bao gồm độ lâu (duration), mức độ phù hợp (appropriateness) với thời gian và tính đúng giờ (punctuality), đều là những yếu tố tạo nghĩa trong giao tiếp. Ví dụ, lúc nói hoặc mức độ nói nhiều về một vấn đề thì có nghĩa là đó là vấn đề chính hay phụ, cần đặc biệt lưu ý…. Khi đưa tay ra bắt thì đối tác hiểu rằng đó là đến lúc ‘tạm biệt’. Đến không đúng giờ đôi khi được hiểu là ‘xem thường’ đối với đối tác giao tiếp hoặc đối với nội dung giao tiếp….

- Ngoại ngôn (extralanguage): Giao tiếp phi ngôn còn diễn ra dưới cách thức xử lý môi trường giao tiếp. Bản thân môi trường không mang ý nghĩa giao tiếp nhưng việc xử lý môi trường luôn mang ý nghĩa giao tiếp. Khi được xử lý thì môi trường này gọi là môi trường giao tiếp hay ngoại ngôn. Môi trường giao tiếp (hay ngoại ngôn) bao gồm: không gian (space), mầu sắc, nhiệt độ và ánh sáng

         + Không gian (space): việc lựa chọn không gian nơi ở, làm việc; việc trang trí/ bố trí đồ đạc trong nơi ở/ làm việc đều rất có ý nghĩa trong giao tiếp. Ví dụ, cùng một vấn đề nhưng trình bầy ở những nơi khác nhau mang ý nghĩa giao tiếp khác nhau như tầm quan trọng của vấn đề, thái độ của người trình bầy với vấn đề và với người nhận thông điệp vv…. Khoảng cách giữa những người tham gia giao tiếp cũng là vấn đề rất quan trọng, cũng thể hiện thái độ, tình cảm và quan hệ giữa những người tham gia giao tiếp. Hall (1986) phân biệt 4 kiểu loại khoảng cách phổ biến trong giao tiếp trong văn hóa Bắc Mỹ, đó là:

         * Intimate distance (khoảng cách thân):  18 inch, phù hợp với bạn thân

         * Personal distance (khoảng cách riêng): 18 inch – 4 foot, phù hợp với giao tiếp tuy không thân nhưng dân dã.

         * Social distance (khoảng cách xã giao): 4 foot – 12 foot, phù hợp với giao tiếp công việc

         * Public distance (khoảng cách công cộng): trên 12 foot, phù hợp với mọi tình huống giao tiếp trang trọng hơn.

(1 inch = 2.54cm; 1 foot = 12 inch)

         + Nhiệt độ, ánh sáng, mầu sắc cũng là những yếu tố ngoại ngôn mang tính giao tiếp rất cao.

         Tóm lại, một cách khái quát, phần trình bày trên đây đã đề cập đến những hình thức giao tiếp phi ngôn, đi từ những yếu tố gần nhất đối với cơ quan cấu âm (kèm ngôn), đến ngôn ngữ cơ thể, trình diện và cuối cùng là ngoại ngôn – xa nhất đối với cơ quan cấu âm của người giao tiếp. Tuy đã nỗ lực trình bầy khá toàn diện, nhưng phạm vi công trình nhỏ này chưa cho phép đi sâu vào từng nội dung chi tiết của các hình thức đó.

        

2.2.3. Thành phần của giao tiếp thực tế

Một quá trình giao tiếp thường bao gồm 6 yếu tố cấu thành sau đây:

- Ngữ cảnh (context)

- Người tham gia giao tiếp (communicators)

- Thông điệp được chuyển tải (messages communicated)

- Kênh giao tiếp (channels of communication)

- Nhiễu (noise)

- Phản hồi hữu ngôn/ phi ngôn (verbal and nonverbal feedback)

(Verderber, 1999)

2.2.3.1. Ngữ cảnh:

Ngữ cảnh là tổng hòa các điều kiện giao tiếp có liên quan qua lại với nhau. Ngữ cảnh có thể:

a. Là môi trường giao tiếp (như đã trình bầy trong Ngoại ngôn.)

b. Mang tính lịch sử (nội dung các cuộc giao tiếp trước)

c. Mang tính tâm lý (sự cảm nhận về bản thân người giao tiếp và cảm nhận về đối tác giao tiếp)

d. Mang tính văn hóa (các chuẩn mực văn hóa là đường lối chỉ đạo cho người giao tiếp tiến hành giao dịch).

2.2.3.2. Người tham gia giao tiếp.

Bao gồm người gửi và người nhận thông điệp. Người gửi tạo sản thông điệp và tìm cách gửi thông điệp thông qua các tín hiệu hữu ngôn và phi ngôn, người nhận xử lý những thông điệp ấy và cũng thông qua các tín hiệu hữu và phi ngôn mà phản hồi.

2.2.3.3. Thông điệp.

Giao tiếp diễn ra thông qua việc gửi và nhận thông điệp. Khu vực thông điệp bao gồm: nghĩa, tín hiệu, mã hóa và giải mã, và cách tổ chức thông tin.

a. Nghĩa (meaning): Trên bình diện giao tiếp, nghĩa là các ý tưởng thuần túy và tình cảm/ thái độ tồn tại trong đầu người giao tiếp. Nghĩa chỉ được chia sẻ khi các thông điệp được hình thành và chuyển đi dưới dạng hữu ngôn và phi ngôn.

b. Tín hiệu (symbol): Bao gồm ngôn từ (hữu ngôn), âm thanh, hành động, cử chỉ … (phi ngôn) được chuyển tải nghĩa trong giao tiếp.

c. Mã hóa và giải mã (encoding and decoding): Mã hóa một thông điệp là quá trình chuyển hóa những ý tưởng và tình cảm thành tín hiệu rồi tổ chức chúng lại. Ngược lại, quá trình chuyển hóa thông điệp thành các ý tưởng và tình cảm được gọi là giải mã một thông điệp.

d. Tổ chức nghĩa (organization). Nhiều khi nghĩa cần chuyển tải quá phức tạp nên người giao tiếp thường sắp xếp nghĩa theo một trình tự nào đó. Cách sắp xếp ấy được gọi là tổ chức nghĩa.

2.2.3.4. Kênh giao tiếp.

Là con đường chuyển tải thông điệp. Giao tiếp vừa là hữu ngôn lại vừa phi ngôn nên con người, trên thực tế, giao tiếp bằng cả 5 kênh tương đương với 5 giác quan.

2.2.3.5. Nhiễu

Bất kỳ một kích thích nào đó gây cản trở đến sự chia sẻ nghĩa trong giao tiếp đều được gọi là ‘nhiễu’. Có 3 loại nhiễu:

a. Nhiễu ngoài (external) : Là cảnh vật, âm thanh hoặc mọi yếu tố kích thích từ bên ngoài gây phân tâm cho người giao tiếp

b. Nhiễu trong (internal): Là ý nghĩ và tình cảm ảnh hưởng đến nghĩa trong giao tiếp.

c. Nhiễu ngữ nghĩa (semantic): Là những ý nghĩa khác được tạo ra bởi những tín hiệu nào đó làm ảnh hưởng đến nghĩa định chuyển tải trong giao tiếp. Những tín hiệu này cũng có thể là hữu ngôn như việc sử dụng từ, ngữ mang tính kì thị đối với một nhóm người nào đó nên người nghe không thể nhận được ý nghĩa được chủ trương chuyển tải (vì họ tập trung chú ý vào các từ kì thị đó).

2.2.3.6. Phản hồi: Là sự đáp lại dưới hình thức hữu hoặc phi ngôn thể hiện sự nhận được/ không nhận được, hiểu được/ không hiểu được thông điệp, hoặc thái độ đối với thông điệp đó. Im lặng cũng có thể được xem là một hình thức phản hồi

 

2.2.4. Chức năng của giao tiếp:

Giao tiếp có nhiều chức năng. Các chức năng của giao tiếp có thể được khái quát thành 3 nhóm sau đây:

2.2.4.1. Chức năng tâm lý:

a. Thỏa mãn nhu cầu tiếp xúc với người khác: Giao tiếp không hẳn lúc nào cũng nhằm trao đổi thông tin hữu ích nào đó mà chỉ là để thỏa mãn nhu cầu giãi bầy hoặc chia sẻ tình cảm mà thôi.

b. Duy trì và tăng cường ý thức về bản thân người giao tiếp: Qua giao tiếp người giao tiếp tìm câu trả lời cho các câu hỏi về bản thân mình.

2.2.4.2. Chức năng xã hội:

a. Xây dựng và phát triển các mối quan hệ xã hội: Các quan hệ xã hội luôn thay đổi qua giao tiếp: từ không quen thành quen, từ quen thành thân vv…

b. Thực hiện các bổn phận xã hội: Là con người trong một xã hội cụ thể phải thực hiện các trách nhiệm xã hội thông qua giao tiếp.

2.2.4.3. Chức năng quyết định (decision-making): Giao tiếp có thể giúp thực hiện chức năng quyết định theo 3 cách sau đây:

a. Trao đổi thông tin

b. Cân nhắc và đánh giá thông tin

c. Gây ảnh hưởng đối với đối tác giao tiếp

 

2.2.5. Thuộc tính của giao tiếp:

Giao tiếp có 5 thuộc tính sau đây:

a. Tính mục đích. Mọi cuộc giao tiếp đều có mục đích ngay cả khi người giao tiếp không chủ ý.

b. Tính liên tục: Người giao tiếp liên tục gửi đi những thông điệp ngay cả khi im lặng hoặc không hiện diện.

c. Tính đa dạng của thông điệp trong qúa trình mã hóa có ý thức: quá trình mã hóa có thể diễn ra một cách tự nhiên nhưng cũng có thể được thiết kế một cách khôn ngoan nhằm đạt được mục đích của người giao tiếp. Ví dụ, mục đích sai khiến nào đó có thể được biểu đạt bằng hiển ngôn nhưng cũng có thể bằng hàm ngôn, cũng có thể bằng hình thức phi ngôn.

d. Tính quan hệ (relational): Giao tiếp diễn ra nhằm xác định bản chất của quan hệ (quyền lực và tình cảm) giữa những người giao tiếp: Có 2 loại quan hệ chính: quan hệ trên dưới (complementary) và quan hệ ngang bằng (symmetrical).

e. Tính học hỏi: Giao tiếp có vẻ như một năng lực bẩm sinh, tự nhiên nhưng thực ra, năng lực giao tiếp có được là do học tập/ rèn luyện.

 

2.2.6. Tố chất của người có năng lực giao tiếp:

Theo Rubin (1994) thì năng lực giao tiếp thể hiện qua những tố chất sau đây:

a. Hiểu thấu đáo về giao tiếp và hiểu được tình huống giao tiếp

b. Đạt được mục đích giao tiếp (cả mục đích hiển ngôn và mục đích hàm ngôn)

c. Sử dụng được những kỹ năng điều khiển hành vi để đạt được mục đích giao tiếp

d. Cảm nhận được sự đánh giá của người khác đối với năng lực giao tiếp của bản thân mình.

 

Tóm lại, giao tiếp được xem là một quá trình giao dịch tạo nghĩa. Như vậy giao tiếp có thể diễn ra dưới hình thức hữu ngôn và cũng có thể dưới hình thức phi ngôn và, trên thực tế, là sự lồng ghép tinh tế giữa hai hình thức đó. Dạy ngoại ngữ theo đường hướng giao tiếp nghĩa là quán triệt được nguyên tắc giao tiếp trong cả việc dạy và mục đích của việc dạy đó. Phần tiếp theo sẽ lược bàn đến suy nghĩ bước đầu của tác giả về việc quán triệt nguyên tắc này ở Việt Nam.

 

2.3. Một số suy nghĩ về việc việc quán triệt yếu tố giao tiếp trong đào tạo tiếng Anh ở Việt Nam.

Bàn đến một cách sâu sắc, toàn diện và có hệ thống về vấn đề giao tiếp trong việc đào tạo tiếng Anh ở Việt Nam hiện nay hẳn là sẽ vượt ra rất xa ngoài khuôn khổ công trình nhỏ này. Tuy vậy, với tư cách là một hợp phần của công trình, cũng có thể khái quát được những vấn đề lớn sau đây:

2.3.1. Về tư tưởng chủ đạo (gist) của CLT: Tư tưởng chủ đạo của CLT có thể tóm lại: “Ngôn ngữ không phải chỉ là để giao tiếp mà còn là chỉ có thể có được bằng con đường giao tiếp”. Nói một cách cụ thể, mục đích cuối cùng của đào tạo ngoại ngữ là làm cho người học đạt được khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ đó, và muốn làm được như vậy thì con đường – phương pháp (hiểu theo nghĩa rộng) –  phải là giao tiếp. Tư tưởng này phải được quán triệt trong toàn bộ 5 khâu của quá trình đào tạo ngoại ngữ, đó là:

- Phân tích nhu cầu

- Xác định cách tiếp cận

- Thiết kế chương trình

- Soạn/ chọn/ sửa đổi học liệu (kể cả việc tiếp cận tài liệu thực như sách báo, phim ảnh,… sử dụng người bản ngữ, thăm quan, thực tế …)

- Quyết định về phương pháp dạy/ học

- Quyết định về các vấn đề trong khâu kiểm tra/ đánh giá.

 

2.3.2. Phân tích nhu cầu: Đây là một khâu bắt buộc của việc xây dựng chương trình. Tuy nhiên, theo chúng tôi, “gương mặt người học” (learner profile) trong hầu hết các chương trình chưa được mô tả rõ nét và toàn diện. Nói giản đơn, nhu cầu của người học chưa được thể hiện tới mức cần thiết. Người học cần cả năng lực ngôn ngữ và năng lực phi ngôn phù hợp với ngôn ngữ cần học, hay năng lực về văn hóa − xã hội và hơn hết là năng lực diễn ngôn mới có thể giao tiếp được.

2.3.3. Về nội dung chương trình:

Như đã trình bầy, năng lực ngôn ngữ chỉ là điều kiện cần, chưa đủ đều giao tiếp. Hơn nữa, giao tiếp trong thực tế là sự lồng ghép giữa 2 hình thức, hữu ngôn và phi ngôn. Do vậy, một chương trình theo CLT không thể không bao gồm những nội dung giao tiếp phi ngôn.

Về giao tiếp hữu ngôn, dạng tự nhiên nhất, năng động nhất và thực tế nhất của ngôn ngữ là khẩu ngữ nhưng phần lớn các chương trình, đặc biệt là khu vực dạy tiếng Anh ở các trường phổ thông và không chuyên, vì nhiều lý do, mà không coi trọng tới mức cần thiết. Hơn nữa, theo ngôn ngữ học chức năng hệ thống thì trong thực tế, người ta giao tiếp bằng những diễn ngôn (hay văn bản). Do vậy các chương trình đào tạo ngoại ngữ theo đường hướng giao tiếp phải lấy văn bản làm đơn vị giới thiệu ngữ liệu. Đồng thời, do giao tiếp luôn có tính mục đích nên các chương trình cũng phải thể hiện được tính đa dạng về kiểu loại văn bản. Tuy vậy, do nhiều lý do, nguyên tắc lấy văn bản làm đơn vị chưa được quán triệt đầy đủ.

Do giao tiếp hữu ngôn và phi ngôn luôn đan xen với nhau nên bên cạnh sự lồng ghép các yếu tố phi ngôn vào ngữ liệu, các chương trình đào tạo chuyên ngoại ngữ rất cần phải có một khu vực nào đó chuyên về giao tiếp phi ngôn. Trong các chương trình đào tạo chuyên ngoại ngữ, nội dung Văn hóa – Văn minh cần phải được quan tâm hơn nữa nhằm đảm đương được sứ mệnh này của định hướng giao tiếp.

Các chương trình đào tạo chuyên ngoại ngữ cần phải dành thời lượng nhất định cho giao tiếp thực tế, với người bản ngữ và văn hóa bản ngữ.

 

2.3.4. Về học liệu:

Khái niệm học liệu (materials) hiện nay, nói chung, mới chỉ dừng lại ở mức đồng nghĩa với giáo trình/ sách giáo khoa. Giáo trình, sách giáo khoa trên thị trường, chủ yếu đều do người bản ngữ soạn theo đường hướng giao tiếp. Đây là một lợi thế trước mắt. Ngay cả sách giáo khoa phổ thông hiện nay cũng được biên soạn rất công phu theo định hướng này. Theo thiển ý của chúng tôi, khái niệm học liệu nên phải được mở rộng ra ngoài phạm vi của giáo trình/ sách giáo khoa để vươn tới khái niệm “tư liệu đầu vào” (input) mà trong đó  ‘học liệu thực’ (authentic materials) chiếm một vị trí  rất quan trọng – giúp xóa dần sự khác biệt giữa tiếng Anh trong lớp học với tiếng Anh trong thực tế. Nhất là, theo chủ trương lấy người học làm trung tâm, học liệu phải bao gồm cả các tài liệu thực như sách báo, internet, phim, băng hình…, và các cuộc tiếp xúc với người và văn hóa bản ngữ.

 

2.3.5. Phương pháp:

Như trên đã nêu, tài liệu học, ở một mức độ nhất định,  nhìn chung là đã thể hiện được tính giao tiếp. Tuy nhiên, nhưng kết quả đào tạo chưa được như mong muốn có lẽ ở khâu phương pháp và tổ chức thực hiện. Câu hỏi đặt ra là phương pháp dạy/ học tuân thủ các nguyên tắc của định hướng giao tiếp đến mức nào? Giờ học đã thực sự trở thành giờ tập giao tiếp cho người học chưa hay vẫn mới chỉ dừng lại ở mức độ truyền đạt kiến thức ngôn ngữ thuần túy? Tuy nhiên, thuật ngữ “phương pháp” ở đây cũng cần phải được hiểu ít nhất theo 2 nghĩa, rộng và hẹp. Theo nghĩa rộng, thuật ngữ này có thể chỉ cả đường hướng nói chung không những liên quan đến vai trò/ việc làm của người dạy mà còn của cả người học. Ở nghĩa hẹp, thuật ngữ này chỉ việc làm cụ thể của giáo viên trong lớp học. Ở cả 2 nghĩa này, nhiều công trình nghiên cứu (các luận văn thạc sỹ và luận văn tiến sỹ về dạy tiếng Anh ở Việt Nam) đã chỉ rõ: do nhiều lý do, khả năng thực hiện CLT hiện nay ở Việt Nam là rất hạn chế.

 

2.3.6. Kiểm tra/ đánh giá:

         Kiểm tra/ đánh giá không những có chức năng đo mà còn có chức năng phản hồi. Là một trong năm khâu cơ bản của quá trình đào tạo ngoại ngữ, kiểm tra/ đánh giá cho biết hiệu quả của cả quá trình và tạo động lực cho người dạy/ học. Nói một cách cụ thể, nếu tất cả các khâu trong quá trình đào tạo đều theo định hướng giao tiếp nhưng khâu kiểm tra/ đánh giá không theo định hướng này thì khả năng giao tiếp của người học chưa được như mong muốn là điều dễ hiểu. Nhiều công trình nghiên cứu đã chỉ rõ rất nhiều chương trình đào tạo tiếng Anh vẫn tiến hành kiểm tra đánh giá về kiến thức ngôn ngữ thuần túy. Đặc biệt là ở khu vực dạy tiếng Anh cho các trường phô thông và không chuyên, ngay cả tuyển sinh vào đại học chuyên tiếng Anh,   không hề có kiểm tra đánh giá khẩu ngữ!

 

Như đã trình bầy ở trên, do giao tiếp là một khái niệm rộng và tinh tế nên thực hiện việc dạy ngoại ngữ theo đường hướng này không thể là một việc làm đơn giản. Tính giao tiếp, như đã nêu, phải được quán triệt trong mọi khâu của cả quá trình đào tạo ngọai ngữ. Vừa qua có những ý kiến phàn nàn về khả năng giao tiếp thực tế của người học, kể cả học sinh phổ thông, sinh viên đại học không chuyên tiếng Anh và ngay cả sinh viên đã tốt nghiệp các chương trình đào tạo chuyên tiếng Anh. Theo thiển ý của chúng tôi: có nhiều lý do nhưng một lý do cơ bản là việc đào tạo (cả chương trình và phương pháp, kiểm tra/ đánh giá) vẫn quá thiên về khả năng ngôn ngữ thuần túy chưa coi trọng tới mức cần thiết việc sử dụng khả năng ngôn ngữ vào giao tiếp thực tế. Nói cách khác, đường hướng giao tiếp chưa được quán triệt tới mức cần thiết trong tất cả các khâu của quá trình đào tạo ngoại ngữ.

 

C. KẾT LUẬN

Trong địa hạt dạy ngoại ngữ mà đặc biệt là dạy tiếng Anh, người ta nói nhiều tới khái niệm giao tiếp và dạy ngoại ngữ theo đường hướng giao tiếp. Với mục đích bước đầu tìm hiểu khái niệm này trong khuôn khổ đường hướng giao tiếp đối với dạy ngoại ngữ, công trình dừng lại ở việc nêu những vấn đề cơ bản của khái niệm giao tiếp như: định nghĩa, các loại giao tiếp, thành phần của giao tiếp thực tế, chức năng của giao tiếp, thuộc tính của giao tiếp, những tố chất của một người có năng lực giao tiếp. Dưới ánh sáng của lý thuyết về khái niệm giao tiếp này, tác giả cũng nêu một số suy nghĩ chủ quan về việc quán triệt yếu tố giao tiếp trong đào tạo tiếng Anh ở Việt Nam. Đó cũng là cách lý giải về hiện trạng gây nhiều tranh cãi về năng lực giao tiếp của người học và cũng là hàm ngôn về những việc cần làm nhằm nâng cao năng lực đó.

Do khuôn khổ công trình này là hữu hạn, bài viết chưa có thể đề cập đến một cách chi tiết về việc quán triệt ý tưởng giao tiếp trong đào tạo tiếng Anh ở Việt Nam. Do vậy, những nỗ lực nghiên cứu tiếp theo có thể là việc đi sâu hơn vào các khía cạnh của khái niệm giao tiếp và ý nghĩa của nó đối với các khâu khác nhau trong quá trình đào tạo tiếng Anh nhằm lý giải một cách cụ thể và sâu sắc về chất lượng đào tạo tiếng Anh hiện nay ở Việt Nam, đồng thời nhằm chỉ ra việc cụ thể cần làm nhằm cải thiện hiện trạng.

Tác giả xin trân trọng mọi ý kiến đóng góp, trao đổi, xây dựng.

 

 

Tài liệu tham khảo

1.   Điệp, T. X. (2006) Ảnh hưởng của sự chuyển trọng tâm nghiên cứu ngôn ngữ đối với việc dạy ngoại ngữ. Trong: Ngôn ngữ No 9(208)/ 2006, Viện ngôn ngữ học, tr. 58 – 66.

2.   Hall, E. T. (1986) Beyond Culture, N.Y.: Doubleday

3. Hickson, M.L., and Stacks, D., W. (1995) NVC: Nonverbal Communication, Iowa: Brown

4.   Hymes, D. (1972), “On communicative  competence.” Trong J.B. Pride vµ J. Holmes, (chñ biªn).: Sociolinguistics, Penguin, tr. 269-293.

5.  Hymes, D., (1974), “Ways of speaking.” Trong R. Rauman vµ J. Scherzer, (chñ biªn): Explorations in the Ethnography of Speaking, Cambridge University Press, tr. 433- 452.

6.   James, C. (1982), Contrastive analysis, Longman, London

7.  Laver, J., (1975), “Communicative functions of phatic communion.” Trong A. Kendon, R. M. Harris vµ M. R. Key, (chñ biªn).: Organization of Behavior in Face-to-Face Interaction, Mouton, The Hague

8.    Mehrabian, A., (1991) Silent Messages, Calif.: Wadsworth

9.   Lyons, J., (1972), “Human language”. Trong R. A. Hinde, (chñ biªn).: Non-Verbal Communication, Cambridge University Press, Cambridge.

10.  Rubin, R. B. & et al (1994) “Communication Competence and Verbal Ability”, Communication Quarterly

11.  Verderber, R., (1999) Communication, Calif.: Wadsworth

12. Yngve (1975) “Human linguistics in face-to-face interaction.” Trong A. Kendon, R. M. Harris vµ M. R. Key, (chñ biªn).: Organization of Behavior in Face-to-Face Interaction, Mouton, The Hague, tr. 47-62.

 

 

 

ABSTRACT

Từ lâu cụm từ “Đường hướng giao tiếp đối với dạy ngôn ngữ” đã trở nên rất quen thuộc trong địa hạt dạy ngọai ngữ, nhất là dạy tiếng Anh. Ngôn ngữ học ứng dụng chủ yếu bàn đến phương pháp dạy ngôn ngữ. Cơ sở của phương pháp dạy ngôn ngữ là sự mô tả ngôn ngữ và phưong pháp học. Mô tả ngôn ngữ thuộc địa hạt ngôn ngữ học, còn phương pháp học thuộc tâm lý học giáo dục (educational psychology). Bài viết dưới đây nhằm tìm hiểu nội dung của khái niệm “giao tiếp” trong cụm từ nói trên và ý nghĩa của nó trong các khâu của việc dạy ngôn ngữ. Trên cơ sở nội dung của khái niệm “giao tiếp”, bài viết cũng tìm cách lý giải hiện trạng gây nhiều tranh cãi về năng lực giao tiếp của người học tiếng Anh ở Việt Nam.

 

 

_____________

 

Cập nhật: 9/15/2014 - Lượt xem: 4869

Bài cùng chuyên mục