CÁC TỪ “UNIVERSITY”, “COLLEGE” TRONG TIẾNG ANH VÀ “ĐẠI HỌC”, “CAO ĐẲNG” TRONG TIẾNG VIỆT

Tác giả: PGS. TS. Trần Xuân Điệp - Cập nhật: 9/15/2014

Tiếng Anh ngày một được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam kéo theo nhu cầu phải chuyển dịch các từ chỉ khái niệm mang đậm tính văn hoá từ tiếng Việt sang tiếng Anh và ngược lại. Trên bình diện ngôn ngữ học xã hội mỗi lĩnh vực họat động đều có riêng một hệ thống thuật ngữ. Những từ như “đại học “ và “cao đẳng” có thể được xem như thuộc về hệ thống thuật ngữ giáo dục. Ngôn ngữ luôn đi kèm với văn hoá. Các từ này được dùng trong văn hoá Việt Nam, phù hợp với và phản ánh nền văn hoá đó, còn còn các từ “university”, “college” được dùng trong, phù hợp với và phản ánh nền văn hoá Anh- Mỹ (Anglo-American). Tuy vậy, vì nhiều lý do, hiện nay đang có thiên hướng chuyển dịch một cách khiếm diện như sau:

-       “Cao đẳng” tương đương với “college” và ngược lại

-       “Đại học” tương đương với “university” và ngược lại

Người viết bài này e rằng tình trạng sai lạc này sẽ tiếp diễn mãi, gây hiểu lầm trong giao tiếp, ảnh hưởng đến dịch thuật, và trước mắt là tạo nên nhận thức sai của người học tiếng Anh.  Bài viết này bàn đến những sai lạc đó và phân biệt rõ các khái niệm mà các từ nói trên biểu đạt.

 

Hiện tượng:

Hầu hết tên các trường đại học ở Việt Nam hiện nay đều được dịch sang tiếng Anh bằng từ “university”. Xin đơn cử một vài trường ở Hà Nội làm ví dụ:

 

Đại học công đoàn Hà Nội

Đại học công nghiệp Hà Nội

Đại học ngoại thương Hà Nội

Đại học nông nghiệp Hà Nội,

Đại học văn hoá Hà Nội

Đại học y Hà Nội,

Tên tiếng Anh của các trường đại học đóng ngoài Hà Nội cũng vậy. Hầu như không có tên tiếng Anh của bất kỳ một trường đại học nào mà sử dụng từ khác, ngoài từ “university” để chỉ khái niệm “đại học” trong tiếng Việt.

Bên cạnh đó, tên tiếng Anh của mọi trường cao đẳng đều được sử dụng từ “college” để chỉ khái niệm “cao đẳng”. Ví dụ, tên của tất cả các trường cao đẳng sư phạm đều được dịch thành “college”, trường “Cao đẳng cộng đồng” (Xuân mai, Hà Nội) được dịch thành “Community College”.

Một ví dụ điển hình khác là: một phần của Dự án đào tạo giáo viên trung học cơ sở là gửi giáo viên một số trường Cao đẳng sư phạm ở Việt Nam đi học một lớp bồi dưỡng ngắn hạn ở nước ngoài. Một địa điểm mà Dự án này gửi giáo viên đi đào tạo là một cơ sở đào tạo thuộc Vương quốc liên hiệp Anh có tên là “College of St. Mark and St John”. Trong các tài liệu dịch có liên quan và trong quyết định điều động cán bộ tham gia lớp học này, từ “College” trong “College of St John and St. Mark” đều đựơc dịch sang tiếng Việt là “Trường Cao đẳng" (Trường Cao đẳng St. Mark & St John). Thực ra, qua tìm hiểu, chúng tôi được biết trường này đào tạo từ bậc cử  nhân (BA, BSc…), thạc sỹ (MA, MSc…), và cả tiến sỹ (PhD, Dr). Theo từ điển Tiếng Việt (2009) (1) thì  từ “cao đẳng” chỉ bậc học cao hơn phổ thông nhưng thấp hơn đại học. Nếu xem cử nhân (BA, BSc…) là bậc đại học thì từ “College” trong “College of St. Mark and St John” phải được dịch thành “Đại học” hoặc “Trường Đại học”. Chứ không phải là “Cao đẳng” như trong các văn bản dịch nói trên.

Mặt khác, cứ coi “College” là tương đương “Đại học” trong tiếng Việt cũng không phải lúc nào cũng chuẩn xác. Ví dụ, trong dịp đến công tác tại “College of St. Mark and St John”, người viết bài này được trường này bố trí đến làm việc tại “Eggbuckland Community College”. Được gọi là “College” nhưng đây chỉ là một trường phổ thông trung học hệt như các cơ sở giáo dục cùng bậc khác. Hơn nữa, một cơ sở giáo dục ở ngay giữa thành phố Sydney, Australia, có tên là “Kent College” lại cũng không phải là một trường phổ thông, cũng không phải là một cơ sở đào tạo đại học, mà chỉ là một trường dạy nghề, dạy tiếng Anh cho người có nguồn gốc không nói tiếng Anh (NESB), và dạy bổ túc kiến thức phổ thông trung học cho những nguời có nhu cầu mà thôi. Mặt khác, nếu quan niệm từ “college” trong tiếng Anh có nghĩa là “trường” (cơ sở giáo dục – dạy học nói chung) trong tiếng Việt lại cũng không hoàn toàn chính xác. Đại học Sydney (University of Sydney) có nhiều “College” như: “Wesley College”, “Women’s College”…. Thực ra đây chỉ là nơi ở của sinh viên trong các trường đại học, và như vậy từ "College" trong trường hợp cụ thể này chỉ  tương đương với "ký túc xá" trong tiếng Việt. Như vậy, có thể kết luận rằng từ "College" trong những trường hợp như vậy không tương đương với "Trường cao đẳng" trong tiếng Việt. Người dịch hoặc sử dụng từ này phải hết sức cẩn thận và căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể mới có thể xác định được.

 

Một trong những vấn đề tập trung nhiều sự quan tâm và gây tranh cãi trong  những nhà nghiên cứu so sánh đối chiếu Anh - Việt là sự tương đương trên bình diện văn hoá của các từ Anh và Việt. Khi trực tiếp tìm hiểu, người viết bài này thấy một thực tế, đó là số lượng không nhỏ sinh viên (kể cả một sồ ít giáo viên) chuyên ngành tiếng Anh cũng quan niệm khiếm diện, một đổi một, như đã trình bầy ở phần đầu bài báo.

Các hiện tượng như vậy đã thể hiện một cách hiểu khiếm diện khái niệm tương đương trong dịch thuật theo kiểu một đổi một (one-to-one equivalent) từ tiếng Anh sang tiếng Việt và ngược lại. Đứng theo góc độ phân tích đối chiếu (contrastive analysis) thì không phải lúc nào cũng có sự ngang bằng tuyệt đối giữa hai hiện tượng của hai ngôn ngữ bởi vì cơ sở của một ngôn ngữ là văn hoá. Không thể có hai hiện tượng của hai nền văn hóa khác nhau mà lại giống hệt nhau trên mọi phương diện.

 

Một trong những vấn đề cần bàn ở đây là: tập hợp "trường đại học" trong tiếng Việt tương đương với "college" hay với "university" trong tiếng Anh? Để trả lời câu hỏi này trước hết cần phải xem xét sự giống và khác nhau giữa hai khái niệm "college" và "university" trong tiếng Anh. Trong nền văn hoá Anh-Mỹ, khi từ "college" được dùng để chỉ một cơ sở đào tạo đại học (không chỉ các khái niệm khác như đã trình bày ở phần trên) thì cả hai từ này đều tương đương với "trường đại học" trong tiếng Việt. Nói cách khác, "trường đại học" trong tiếng Việt có thể là "college" và cũng có thể là "university". Tuy nhiên, sự khác nhau giữa chúng là điều cần phải đặc biệt quan tâm. Tuy cả 2 loại cơ sở này đều đào tạo 4 năm trên bậc trung học phổ thông và cấp bằng cử nhân (Bachelor's degree) sau 4 năm học, nhưng chúng có thể khác nhau ở mức độ chuyên sâu. Cụ thể là, thường thì các "college" không đào tạo sau và trên đại học. Hoặc nếu có đào tạo sau đại học (MA/ MSc) chăng nữa thì không có chương trình đào tạo theo hướng nghiên cứu (research) mà chỉ có chương trình đào tạo theo bộ môn (course work) mà thôi. Ngược lại, các "university" không những luôn có hệ đào tạo sau và trên đại học mà còn đào tạo theo hướng nghiên cứu. Một sự khác nhau nữa đó là các "university" thường lớn hơn, đồng thời, đào tạo cùng lúc nhiều chuyên ngành hơn nhiều so với các "college", trong khi các "college" thường chỉ đào tạo đơn ngành. Một điều đáng nói nữa là: khi từ "college" được dùng để chỉ một cơ sở đào tạo đại học thì cũng có thể đó là một cơ sở đào tạo đơn ngành trực thuộc một "university" (đa ngành), nhưng cũng có lúc đó lại là một cơ sở đào tạo độc lập (independent college). Chính vì vậy mà các "independent college" dễ bị lầm lẫn với những cơ sở đào tạo dưới bậc đại học như đã trình bầy ở phần trên vì đều được gọi là "college". Tuy nhiên, sự khác nhau trong thực tế không phải lúc nào cũng rạch ròi như vậy. Do phát triển liên tục mà nhiều "independent college" cũng tiến lên, mang dần những đặc trưng đã bàn đến  của "university" và đến một mức độ nhất định chuyển hẳn thành "university". Đây là trường hợp của "College of St Mark & St John" (đã trình bày ở phần trên), đã trở thành "university"  từ tháng 12/ 2007.

Về từ nguyên học, các "university" trong văn hoá Anh-Mỹ ngày nay được phát triển từ các "university" thời Trung cổ ở châu Âu. Tên gọi "university" xuất phát từ  "universitas" trong tiếng Latin. Lúc bấy giờ, từ Latin này có nghĩa là một nhóm người được tổ chức lại để thực hiện chung một mục đích (2). Tưong tự, những "college" đầu tiên ở châu Âu chỉ là những nhóm sinh viên tập trung lại với nhau vì đều có chung một mối quan tâm. Do vậy, ở Anh  thời xa xưa, người ta đã xây dựng những "college" nhưng chỉ để cung cấp chỗ ở cho sinh viên mà thôi (chính vì lẽ đó mà ngày nay một trong những nghĩa của "college" là nơi ở của sinh viên như đã trình bày ở trên). Vì  sinh viên ở chung một "college" thì đều học cùng một chuyên ngành nên dần dần từ "college" mang nghĩa một lĩnh vực học thuật, một chuyên ngành cụ thể. Tuy nhiên, trong văn hoá Anh-Mỹ lại có những tiểu văn hoá (subculture) như văn hoá Anh, văn hoá Mỹ, văn hoá Australia vv.... Do đó việc dùng từ "college" cũng có những biến thể phù hợp với những tiểu văn hoá tương ứng. Ví dụ, trong văn hoá Mỹ, ở hầu hết các "college" đều có dạy một lĩnh vực học thuật gọi là "Các môn nghệ thuật tự do" (Liberal Arts) (3). Các môn này được xây dựng và dạy lần đầu tiên ở Hy-lạp cổ đại, bao gồm: Ngữ pháp học, Tu từ học, Lôgíc học, Số học, Hình học, Thiên văn học, và Âm nhạc, vốn được gọi là "Bảy môn nghệ thuật tự do" có tác dụng phục vụ cho Thần học lúc bấy giờ (3). 

Như đã trình bầy, "college" còn có nghĩa là một phần của một "university", nơi đào tạo một chuyên ngành cụ thể. Sở dĩ như vậy là vì các "university" đầu tiên đều chia chương trình đào tạo ra làm nhiều khu vực (chuyên ngành) và gọi mỗi khu vực đó là một "college". Ví dụ, University of Texas, Austin, (Đại học Texas tại Austin)  có tới 14 "college". University of Wisconsin, Madison có Medical College (Đại học Y Khoa, College of Agriculture (Đại học Nông nghiệp)….

Với ý nghĩa này thì hầu hết tên của các đại học quốc gia, đại học vùng ở Việt Nam đều được chuyển dịch rất chính xác.  Ví dụ, trong Đại học quốc gia Hà Nội có nhiều các trường đại học thành viên (chuyên ngành) như trường Đại học Ngoại ngữ (College of Foreign Languages), trường Đại học Khoa học XH&NV (College of Social Sciences and the Humanities), trường Đại học Khoa học Tự nhiên (College of Natural Sciences). Tuy vậy, bản thân tên Đại học quốc gia Hà Nội đựơc dịch thành "Vietnam National University, Hanoi" (viết tắt thành VNU) là điều cần bàn thêm. Theo những điều chúng tôi biết thì trong cách đặt tên các "University" của người Mỹ thì dấu phảy (,) được dùng để chỉ một trong những cơ sở cụ thể  của "University", bởi vì do phát triển rất lớn nên một "University" có thể có nhiều cơ sở, đóng ở nhiều địa phương khác nhau.  Ví dụ, "University of Wisconsin, Madison" có nghĩa là "Đại học Wisconsin (đóng) tại Madison"; khi "University of Wisconsin" phát triển thêm một cơ sở tại La Crosse thì  cơ sở này có tên là "University of Wisconsin, La Crosse" ("Đại học Wisconsin tại La Crosse"). Trường hợp  "University of Texas, Austin"; "University of California, Berkely"; "University of Massachusetts, Boston" vv.... là những ví dụ tương tự. Việc dùng dấu phảy (,) như trong trong bản dịch tên của ĐHQGHN như đã nói trên là không chính xác. Bản dịch "Vietnam National University, Hanoi" phải tương đương với "Đại học quốc gia Việt Nam tại Hà Nội" trong tiếng Việt. Bản dịch như vậy, theo thiển ý của chúng tôi, là có tham khảo cách đặt tên đại học vừa của Mỹ (như đã trình bày) lại vừa của Australia (trong ANU = Australian National University - Đại học quốc gia Australia) nhưng không tương đương cả về hình thức lẫn nội dung vì ĐHQGHN chỉ đóng ở Hà Nội, trước mắt không có cơ sở khác, hơn nữa trong bản tiếng Việt không có từ "Việt Nam").

 

Kết luận

Ngày nay tiếng Anh đã được dùng như một tiếng quốc tế để giao tiếp trong nhiều lĩnh vực. Tiếng Anh không còn của riêng người Anh, người Mỹ nữa Tuy vậy, ngôn ngữ luôn đi kèm với văn hoá. Những người không có nguồn gôc nói tiếng Anh (NESB) nay dùng tiếng Anh chắc chắn sẽ đem theo vào việc sử dụng ngôn ngữ này những chuyển di văn hoá của mình. Những dị biệt (hay có thể là những sự lệch chuẩn) này có thể chấp nhận được nếu như chúng có thể tồn tại trong một thể thống nhất. Tuy phải chấp nhận những dị biệt ở mức độ nhất định, mọi người sử dụng tiếng Anh làm phương tiện giao tiếp phải tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của tiếng Anh và nền văn hoá Anh-Mỹ đi kèm, có như vậy mới tránh được hiểu sai và dẫn tới thông tin sai lệch.

Tuy có nhiều chi tiết, song phần trình bầy trên đây có thể cô đọng lại như sau:

"Trường đại học" trong tiếng Việt có thể tương đương với cả "university" và "college" trong tiếng Anh. Sự khác nhau chủ yếu giữa "university" và "college" là "university" đào tạo đa ngành còn "college" thì đơn ngành. Do vậy, không nhất thiết phải luôn dịch tập hợp "trường đại học" thành "university", đồng thời đằng sau "university" không nên có tên chuyên ngành hẹp. Nếu có tên chuyên ngành hẹp thì nên dùng từ  "college" để dịch. Không nên quan niệm thuần tuý "university" =  "trường đại học", "college = "trường cao đẳng".

 

Bài viết trên đây chỉ là một nỗ lực nhỏ, rất khiêm tốn với thiện ý nhằm đóng góp những gì tác giả biết vào việc khắc phục tình trạng hiểu lầm dẫn tới chuyển dịch thiếu chính xác các khái niệm của các tập hợp "trường đại học" trong tiếng Việt và "university", "college" trong tiếng Anh. Bài viết có sử dụng ý kiến tư vấn của một số học giả trong và ngoài nuớc như: ThS Mike Scholey, ThS Steve Ansell (College of St Mark and St John), PGS Nguyễn Quang (ĐHNN/ ĐHQGHN), TS Sandra Arfa (Giám đốc Trung tâm dạy tiếng Anh của Đại học  Wisconsin tại Madison, Hoa Kỳ), GS  Judith L. Ladinsky (Chủ tịch Uỷ ban hợp tác khoa học Mỹ-Việt), ngài Michael Macholack, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam (trong buổi làm việc của Ngài với trường ĐHSPHN ngày 29/4/2009), cùng một số đồng nghiệp tại ĐHSPHN và ĐHNN/ ĐHQGHN.

Người viết xin bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đối với những người đã cung cấp những ý kiến quý báu đó và cũng xin trân trọng mọi ý kiến đóng góp từ phía quý bạn đọc.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1) Hoàng Phê (2009) Từ điển tiếng Việt, Đà Nẵng: NXB Đà Nẵng

(2) http://WWW. VOAspecialenglish.com

(3) Vũ Dương Minh (2008) Lịch sử văn minh thế giới, Hà Nội: NXB Giáo dục

 

____________________

 


 

 

Cập nhật: 9/15/2014 - Lượt xem: 7432

Bài cùng chuyên mục