TÍNH ĐA DẠNG CỦA NGÔN NGỮ VÀ VIỆC GIẢNG DẠY NGOẠI NGỮ

Tác giả: PGS. TS. Trần Xuân Điệp - Cập nhật: 9/15/2014

                                                                      

Trong ngôn ngữ học ứng dụng một trong những khu vực rất có ý nghĩa là việc úng dụng các lý thuyết về đa dạng ngôn ngữ vào lĩnh vực dạy ngoại ngữ. Phạm vi vấn đề rất rộng, người viết bài này chỉ xin đựơc đề cập đến một cách cô đọng nhất khái niệm về tính đa dạng của ngôn ngữ và ý nghĩa của nó trong giảng dạy tiếng Anh.

 

Khái quát về tính đa dạng của ngôn ngữ

 

Đã có rất nhiều tài liệu đề cập đến tính đa dạng của ngôn ngữ (language variation) song một cách vắn tắt, tính đa dạng của ngôn ngữ có thể định nghĩa là những sự khác biệt về ngữ âm, ngữ pháp, hoặc về việc lựa chọn từ vựng trong nội bộ một ngôn ngữ. Bất kỳ một ngôn ngữ nào cũng đựơc sử dụng khác nhau bởi những ngừơi khác nhau, và có thể bởi cùng một ngừơi nhưng trong những tình huống khác nhau. Mỗi một dạng của ngôn ngữ như vậy được gọi là một biến thể ngôn ngữ. Như vậy, tính đa dạng của ngôn ngữ là rất lớn và biến thể ngôn ngữ là rất nhiều song để tiện nghiên cứu người ta có thể phân thành hai nhóm chính, đó là nhóm biến thể thể hiện tính đa dạng theo người sử dụng (dialectal variation - dialect) và nhóm biến thể thể hiện tính đa dạng theo cách sử dụng (diatypical variation - diatype).

 

- Nhóm biến thể theo người sử dụng (dialectal variation - dialect) bao gồm các loại biến thể sau đây:

            + Lọai biến thể theo vùng (geographical/ regional dialect) nói lên sự khác biệt ngôn ngữ giữa các địa phương khác nhau - còn gọi là địa phương ngữ  (phương ngữ địa lý) hay thổ ngữ.

            + Loại biến thể theo thời gian (temporal dialect) nói lên sự khác biệt về ngôn ngữ giữa các khoảng thời gian khác nhau

            + Lọai biến thể xã hội (social dialect) nói lên sự khác biệt ngôn ngữ học giữa các tầng lớp ngừơi khác nhau trong xã hội.

            + Loại biến thể tiêu chuẩn và không tiêu chuẩn (standard/ non-standard dialects)

            + Loại ngôn ngữ cá nhân (idiolect) - hệ thống ngôn ngữ của một cá nhân thể hiện bằng phương cách riêng mà cá nhân đó nói hoặc viết một ngôn ngữ nào đó.

 

- Nhóm biến thể theo cách sử dụng (diatypical variation - diatypes) là kết qủa của sự tương tác giữa 3 biến tố của tình huống như sau:

            + Trường diễn ngôn (field of discourse) là nói đến chủ đề đề cập đến bằng ngôn ngữ, có thể là loại ngôn ngữ gắn liền với một ngữ cảnh cụ thể. Chẳng hạn ta có những biến thể của ngôn ngữ gắn liền với ngữ cảnh cụ thể như trong trường hợp nó gắn liền với một lĩnh vực kiến thức như medical English, business English, scientific English vv.... hay khi nó gắn liền với một lĩnh vực sử dụng như: tài liệu hướng dẫn thao tác kỹ thuật, quảng cáo, thông báo, giao tiếp giữa bác sỹ và bệnh nhân, bài thuyết trình/ giảng đạo vv....

            + Kiểu diễn ngôn (mode of discourse) phản ánh mối quan hệ giữa ngừơi sử dụng ngôn ngữ và phương tiện chuyển tải, phương tiện này có thể ảnh hưởng tới việc lựa chọn và sử dụng ngôn ngữ: phương thức viết, nói, điện thoại, thư điện tử, hội đàm từ xa vv....

            + Không khí diễn ngôn (tenor of discourse) phản ánh mối quan hệ giữa người nói/ viết và người nghe/ đọc. Không khí diễn ngôn có thể được xem xét theo hai góc độ: cá nhân (personal) và chức năng (functional):

                        * Theo góc độ cá nhân thì không khí diễn ngôn có thể biến thiên theo một trục liên tục từ rất tục tĩu đến rất khách sáo/ đông cứng.

                        * Theo góc độ chức năng thì không khí diễn ngôn sẽ biến thiên theo chức năng của ngôn ngữ mà ta muốn sử dụng. Trong trường hợp này không khí diễn ngôn phản ánh vai trò của người nói/ viết đối với ngừơi nghe/ đọc.

Những biến thể theo không khí diễn ngôn theo hai góc độ nói trên gọi là các biến thể chức năng (register). Ví dụ: Ta có thể mô tả ngôn ngữ điển hình của một người con nói với bố trong một tình huống điển hình (về thời gian, nơi chốn, trạng thái tâm lý vv...) trong tiếng Việt là lễ phép đặc trưng cho quan hệ "con đối với cha" (theo góc độ cá nhân ) và vai trò ngôn ngữ mà người nói đảm nhận là vai trò của ngừơi con (theo góc độ chức năng) với tất cả các giá trị và chuẩn mực ngôn ngữ do văn hoá Việt nam quy định.

 

Việc áp dụng kiến thức về tính đa dạng ngôn ngữ vào lĩnh vực giảng dạy ngoại ngữ.

 

Theo quan niệm của phương hướng giao tiếp trong dạy ngọai ngữ thì dạy ngoại ngữ là nhằm trang bị cho người học một năng lực giao tiếp để họ có khả năng giao tiếp trong các tình huống thực. Để thực hiện được mục đích đó toàn bộ quá trình dạy ngoại ngữ phải phản ánh được đặc trưng đa dạng của ngôn ngữ như đã trình bầy ở trên. Nói một cách cụ thể hơn, để có khả năng giao tiếp trong thực tế người học cần phải được trang bị nhiều biến thể khác nhau để sử dụng phù hợp trong những tình huống khác nhau. Vấn đề này cần phải đựơc đề cập đến trong  nhiều khâu của quá trình dạy và học: xác định phương hướng chung, phân tích nhu cầu, soạn chương trình, quyết định về nguồn tư liệu (tài liệu dạy, người dạy), thủ thuật trên lớp, kiểm tra/ đánh gía.

Ở đây ta hãy lấy việc dạy tiếng Anh làm ví dụ. Chẳng hạn việc phân tích nhu cầu người học sẽ giúp chỉ ra những nhu cầu khách quan của người học. Và do đó mà dẫn tới việc sử lý khác nhau đối với việc chủ trương và soạn ra những chương trình tiếng Anh khác nhau: tiếng Anh phổ thông (TEGP), tiếng Anh chuyên ngành (TESP) vv.... Nói cách khác phân tích nhu cầu người học sẽ giúp chỉ ra cụ thể những biến thể của ngôn ngữ cần phải dạy/ học (biến thể theo người sử dụng)

Kiến thức về tính đa dạng ngôn ngữ có tầm quan trọng đặc biệt trong khâu soạn chương trình và quyết định về nguồn tư liệu (tài liệu dạy và người dạy). Vấn đề cần xác định sẽ là dạy biến thể nào: có nên chỉ dạy những biến thể tiêu chuẩn hay không. Hoặc nếu thấy cần thiết phải dạy thêm nhiều biến thể không tiêu chuẩn thì ở mức độ nào và giải quyết vấn đề đó như thế nào? Chẳng hạn có nên chỉ dạy tiếng Anh tiêu chuẩn London hay không? Có nên chủ trương dạy thêm tiếng Anh Mỹ vv... hay không? Vấn đề xử lý mối quan hệ giữa đầu vào và đầu ra về ngữ liệu nên đựoc giải quyết như thế nào?

Về loại biến thể theo chức năng, nên giải quyết mối quan hệ giữa tiếng Anh nói chung và tiếng Anh chuyên ngành trong thành phần của chương trình và giáo trình như thế nào? Cách thức giúp người học nhận biết đựơc khác biệt giữa các biến thể chức năng, giữa các kiểu diễn ngôn: viết, nói, giữa các không khí diễn ngôn: mức độ trang trọng, lối nói (chức năng) vv....

Về phía người dạy cũng cần phải có sự đa dạng về biến thể theo vùng để nhằm không những cung cấp cho người học sự đa dạng về ngôn ngữ mà còn về văn hoá vùng, yếu tố duy trì sự tồn tại của tính đa dạng của ngôn ngữ tương ứng.

Về mặt phương pháp, việc dạy viết dựa vào kiểu loại văn bản (genre-based writing), việc dạy đọc, nghe  theo chủ điểm, cũng như việc tính đến yếu tố phù hợp (appropriacy) trong việc dạy các kỹ năng nói chung, phương pháp đặc thù dạy ngoại ngữ chuyên ngành là những ứng dụng phổ biến của các lý thuyết về tính đa dạng ngôn ngữ.

Mặt khác, theo Hymes (1972), năng lực giao tiếp không những chỉ là năng lực về ngôn ngữ (linguistic competence) mà còn bao gồm năng lực văn hoá xã hội (sociocultural competence), năng lực diễn ngôn (discourse competence) và năng lực về chiến lược giao tiếp. Do vậy để giúp người học hình thành đựơc năng lực giao tiếp trong thực tế thì việc dạy ngoại ngữ nhất thiết cũng phải tính đến các yếu tố này. Theo Fishman (1972), nguyên nhân của sự khác biệt giữa các biến thể là mang tính ngôn ngữ học nhưng yếu tố duy trì sự khác biệt đó lại là văn hoá. Chính vì thế cũng cần phải quan tâm đề cập đến tính đa dạng ngôn ngữ trên bình diện văn hoá.

Kiểm tra/ đánh gía có hai chức năng cơ bản là: đo (measurement) và phản hồi (feedback). Do đó nội dung và hình thức kiểm tra/ đánh gía phải phản ánh đựoc năng lực của người học trong việc sử dụng (cả tiếp thu - reception và tạo sản - production) một cách phù hợp các biến thể ngôn ngữ khác nhau, đồng thời có tác dụng động viên ngừơi học học để sử dụng đựơc hàng loạt các biến thể khác nhau.

Nhìn vấn đề theo một cách khác, khi bàn về việc úng dụng lý thuyết về tính đa dạng của ngôn ngữ vào việc giảng dạy ngoại ngữ, ta thấy nổi bật lên một vấn đề là tính phù hợp (appropriacy) của ngôn ngữ cần dạy. Ơ một mức độ khái quát nhất định, việc dạy ngoại ngữ có thể định nghĩa là việc hình thành các kỹ năng ngôn ngữ cho người học để họ có thể tiến hành giao tiếp một cách phù hợp trong những tình huống khác nhau. Tiến hành giao tiếp một cách phù hợp nghĩa là có khả năng sử dụng đựơc các biến thể (nói trên) một cách phù hợp trong các tình huống ngôn ngữ tương ứng. Do đó, người học cần phải đựơc tiếp xúc với nhiều loại biến thể khác nhau và đựoc khuyến khích sử dụng những loại biến thể khác nhau. Ngừơi học cũng cần phải có những cơ hội để bàn bạc về và thực hành sử dụng các biến thể khác nhau (dưới các kiểu diễn ngôn khác nhau: nói cũng như viết).

Theo câu nói nổi tiếng của Saussure: ngôn ngữ là hiện tượng xã hội. Ngôn ngữ phản ánh xã hội. Ngôn ngữ phản ánh tính đa dạng và thay đổi thường xuyên, tính chuyên môn hóa ngày càng cao của xã hội. Do đó không thể dạy ngọai ngữ mà không tính đến tính đa dạng của ngôn ngữ. Nói một cách khác, tính đa dạng của ngôn ngữ càng đựoc quán triệt trong việc dạy ngọai ngữ thì ngừơi học càng đựoc chuẩn bị tốt cho giao tiếp thực sự.

 

Đôi điều cảm nhận về việc ứng dụng lý thuyết về tính đa dạng ngôn ngữ trong dạy tiếng Anh tại Việt Nam.

 

Tính đa dạng ngôn ngữ trong việc dạy tiếng Anh ở Việt Nam  yếu đựơc phản ánh thông qua việc phân tích nhu cầu người học,  quyết định về chương trình và lựa chọn ngữ liệu. Các giáo trình đã và đang đựoc sử dụng đều có nguồn gốc ở các nứoc nói tiếng Anh nên tính đa dạng về chức năng phần lớn đựoc đảm bảo. Thủ pháp trên lớp và kiểm tra/ đánh gía theo đó mà cũng phản ánh yếu tố này. Đặc biệt giáo trình và thủ pháp trên lớp có thể hiện những kết hợp nhất định giữa nhiều loại biến thể. Đây là dấu hiệu hết sức đáng chú ý trong việc quán triệt tính biến thể của ngôn ngữ trong dạy tiếng Anh.

Bên cạnh đó, theo thiển ý của chúng tôi, tính đa dạng theo vùng của tiếng Anh cũng cần phải đựoc quan tâm đúng mức. Tiếng Anh ngày nay được xem như là một ngôn ngữ quốc tế với rất nhiều biến thể vùng (regional dialect) khác nhau. Một cách rất sơ bộ, ta có thể kể đến những lọai tiếng Anh theo vùng như: Tiếng Anh Anh, tiếng Anh Mỹ, tiếng Anh Australia, vv... (hàm ý cả yếu tố văn hoá tương ứng). Đó là chưa kể đến các biến thể đang đựơc sử dụng ở những nứơc mà tiếng Anh chỉ là ngôn ngữ thứ hai hoặc ngoại ngữ, chưa kể đến những biến thể theo vùng ngay trong nội bộ một nước nói tiếng Anh. Từ trước tới nay chúng ta chỉ chú ý đến việc dạy tiếng Anh Anh mà chúng ta coi là chuẩn mực duy nhất mà thôi. Bên cạnh đó,  Mỹ là một nứơc nói tiếng Anh hết sức quan trọng, song việc quan tâm đến tiếng Anh Mỹ còn thể hiện quá ít. Thực tế đã chỉ rõ, việc ít chú ý đến biến thể vùng hết sức quan trọng này đã gây ra không ít khó khăn cho người học. Đó là những khó khăn trong giao tiếp thực, trong công tác biên/ phiên dịch, trong các kì thi TOEFL vv.... do có sự khác biệt đáng kể giữa biến thể Anh Anh và Anh Mỹ trên nhiều phuơng diện. Việc làm như vậy, dù hữu ý hay vô tình, cũng là phản ánh sự phiến diện trong cách nhìn nhận tính đa dạng ngôn ngữ trong dạy ngọai ngữ. Đa dạng là đặc trưng của ngôn ngữ, nếu quá trình dạy ngọai ngữ quan tâm một cách phiến diện đến đặc trưng đó cũng có nghĩa là đã tự làm phiến diện năng lực giao tiếp của người học.

Mặc dù vậy, trong khoảng một thời gian nhất định việc đảm bảo hoàn thiện tính đa dạng nói trên là một vấn đề rất lớn. Nên chăng, ở những năm trên của quá trình đào tạo, người học đựoc tạo điều kiện để tiếp xúc với hàng lọat các biến thể vùng khác nhau như tiếng Anh Mỹ, Anh Australia vv.... và các biến thể theo chức năng (diatypical varieties) như tiếng Anh dùng trong giao dịch kinh doanh (business English), tiếng Anh thương mại (Commercial English), tiếng Anh y tế, tài chính vv.... Đồng thời tạo điều kiện để phát huy cao độ việc tự học để người học tự trau dồi thêm các biến thể mà việc giảng dạy trên lớp chưa có điều kiện đề cập đến. Harmer (1991) đã khẳng định: "Một điều cốt yếu [trong dạy ngọai ngữ] là ngừơi học phải có khả năng hiểu đựoc càng nhiều biến thể và sắc giọng của ngoại ngữ thì càng tốt". Một ý kiến như vậy cần đựơc thấu suốt trong cả quá trình thiết kế chương trình, quyết định về giáo trình, thù pháp gỉang dạy và cách học, cũng như khâu kiểm tra/ đánh gía. Y kiến này cũng cần đựoc quán triệt trong cả quá trình đào tạo  chuyên và không chuyên tiếng Anh. Nếu tổ chức đựoc một quá trình giảng dạy và học tập như vậy không những ngày càng đảm bảo tính chất của ngôn ngữ học mô tả áp dụng vào trong giảng dạy ngọai ngữ mà còn phát huy đựơc tính chủ động sáng tạo của học viên, phù hợp với nguyên tắc lấy người học làm trung tâm trong quá trình đào tạo ngoại ngữ, góp phần chuyển dần quá trình đào tạo thành tự đào tạo. Mặt khác, kiến thức về tính đa dạng ngôn ngữ là kết qủa nghiên cứu của ngôn ngữ học mô tả. Đảm bảo tính đa dạng đó càng tốt bao nhiêu là càng giúp làm hẹp dần khoảng cách giữa ngôn ngữ trong trường học và ngôn ngữ trong thực tế - giúp người học ngày càng nhanh chóng sử dụng đựoc ngôn ngữ đã học vào trong các tình huống thực tế của đời sống ngôn ngữ. Làm đựơc như vậy là làm cho quá trình đào tạo ngoại ngữ ngày càng đáp ứng tốt hơn các nhu cầu thực tiễn của đời sống xã hội.

Một cách khái quát có thể nói rằng việc dạy tiếng Anh cần phải và hiện đã bắt đầu được chuyên ngành hoá. Dạy tiếng Anh cho rất nhiều chuyên ngành khác nhau là nhằm giúp cho nhưng người học thuộc những chuyên ngành ấy giao tiếp về chuyên môn đối với những đối tác sử dụng tiếng Anh. Song có một thực tế đầy thách thức đó là những người chuyên về giảng dạy tiếng Anh lại biết rất ít hoặc không biết nội dung chuyên ngành. ở một mức độ nhất định, về mặt lý thuyết, một giải pháp khả thi là kết hợp giữa người làm chuyên môn và người giảng dạy tiếng Anh. Song sự kết hợp này như thế nào thì vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp thoả đáng. Tóm lại, bên cạnh việc dạy biến thể EGP (tiếng Anh phổ thông), việc dạy biến thể tiếng Anh chuyên biệt cho một ngành chuyên môn cụ thể được đặt ra cấp bách nhưng lại thách thức hơn bao giờ hết cho những người chuyên giảng dạy tiếng Anh.

Dạy ngoại ngữ (theo nghĩa rộng) là kết qủa của việc áp dụng những thành tựu nghiên cứu của nhiều lĩnh vực như ngôn ngữ học, tâm lý học, thông tin vv... Bài viết trên đây đã đề cập đến một đặc trưng của ngôn ngữ là tính đa dạng ngôn ngữ, trong đó người viết đã khái quát các lối đa dạng chủ yếu của ngôn ngữ. Đồng thời cũng đã lược bàn việc ứng dụng lý thuyết về biến thể đó vào lĩnh vực dạy ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng. Để kết luận người viết đã đề cập đến việc vận dụng lý thuyết đó trong việc dạy tiếng Anh ở Việt Nam. Cuối cùng người viết cũng đã đưa ra ý kiến chủ quan của mình về việc đảm bảo hơn nữa tính biến thể/ đa dạng của tiếng Anh trong qúa trình đào tạo ngọai ngữ ở Việt Nam Tác giả xin đựơc tỏ lòng trân trọng đến mọi ý kiến trao đổi từ qúy bạn đọc. 

 

Hà nội ngày 16 tháng 6 năm 2005

TÓM TẮT

 

Một trong những thuộc tính  của ngôn ngữ là tính đa dạng. Tính đa dạng này diễn ra trên nhiều bình diện. Mỗi một dạng như vậy được gọi là một biến thể/ phương ngữ. Số lượng những phương ngữ như vậy là bất định. Tuy vậy có thể chia những phương ngữ  ấy thành 2 nhóm chính: những phương ngữ phản ánh tính đa dạng theo người sử dụng và những phương ngữ theo cách sử dụng. Loại thứ nhất bao gồm những phương ngữ địa lý, phương ngữ thời gian, phương ngữ xã hội, phương ngữ tiêu chuẩn và phi chuẩn, và phương ngữ cá nhân trong khi đó loại thứ hai bao gồm những phương ngữ sinh ra từ sự tương tác giữa 3 biến tố của tình huống. Đó là trường diễn ngôn, phương thức diễn ngôn, và không khí diễn diễn ngôn. Trường diễn ngôn chỉ chủ đề của việc dùng ngôn ngữ. Phương thức diễn ngôn chỉ quan hệ giữa người sử dụng ngôn ngữ và phương tiện chuyển tải. Không khí diễn ngôn chỉ quan hệ giữa nguời nói/ viết và người nghe/ đọc. Không khí diễn ngôn có thể được xem xét dưới 2 góc độ: cá nhân và chức năng.

Dạy ngoại ngữ ngày nay là nhằm trang bị cho người học một năng lực giao tiếp ((Hymes, 1972). Điều này có nghĩa là ngôn ngữ phải được dạy như thế nào đó để chuẩn bị tốt cho người học quán triệt được tính đa dạng ngôn ngữ trong giao tiếp thực. Nói cách khác, người học phảI được giúp đỡ  để họ có thể sử dụng được những phương ngữ khác nhau trong những tình huống văn hóa xã hội khác nhau. Do vậy đảm bảo tính đa dạng của ngôn ngữ trong việc dạy ngoại ngữ là một việc làm bắt buộc đồng thời tính đa dạng của ngôn ngữ cần phải được xem xét trong các khâu khác nhau của việc dạy tiếng.

 

ABSTRACT

 

One of the properties of language is its variation. This variation takes place in different dimensions. Each type of language variation is called a dialect. The number of such dialects is nonfinite. However, these dialects can be divided into 2 major groups: variation according to user  (dialectal variation) and variation according to use (diatypical variation). The former includes geographical dialect, temporal dialect, social dialect, standard and non-standard dialect, and idiolect  while the latter dialects which result from the interaction of 3 variables of situation. These variables are field of discourse, mode of discourse, and tenor of discourse. Field of discourse refers to what the language is about. Mode of discourse shows the relationships between the language user and the channel of communication. Tenor of discourse reflects the relationships between the speaker/ writer and the audience. Tenor of discourse can be looked at from 2 different angles: personal and functional.

Language teaching of today is aimed at providing the learner with “communicative competence” (Hymes, 1972). This means language must be taught in such a way that the learner is well prepared to deal with language variation in real-life communication. In other words, the learner must be helped in order to be able to use different dialects in different socio-cultural situations. This is why ensuring language variation in language teaching is a must and language variation must be considered in different areas of language teaching.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

Corder, S. P., (1973), Introducing applied linguistics, Baltimore: Penguin

Fishman, J., A., (1972), Sociolinguistics: A brief introduction, Massachusetts: Newbury   House Publishers

Harmer, J., (1991), The practice of English language teaching, New York: Longman Hymes, D., (1972), On communicative competence, In J. Pride & J. Holmes (Eds.),            Sociolinguistics, Harmsworth: Penguin

 

 

___________

 


 

 

Cập nhật: 9/15/2014 - Lượt xem: 3912

Bài cùng chuyên mục