GIỚI THIỆU MỘT SỐ HỌC BỔNG TOÀN PHẦN CHO BẬC HỌC THẠC SĨ VÀ TIẾN SĨ CỦA CHÍNH PHỦ CÁC NƯỚC

Tác giả: Hoàng Hữu Cường - Cựu sinh viên k54; Nguyễn Bích Ngọc – Đại học Phòng cháy - Cập nhật: 5/6/2015

Đối với mỗi cán bộ, giảng viên hay sinh viên mới ra trường, chắc hẳn ai cũng mong muốn tìm kiếm cho mình một cơ hội học tập ở nước ngoài. Thực tế, việc đó chưa hẳn đã quá khó nếu chúng ta có đủ quyết tâm và xác định mục tiêu rõ ràng. Hiện nay, hầu hết Chính phủ các nước đều cung cấp các chương trình học bổng cho công dân Việt Nam theo học các bậc học sau đại học tại đất nước của họ. Là một cựu sinh viên khóa 54 của trường cũng như một ứng viên thành công của một số chương trình học bổng (Học bổng Phát triển New Zealand, Học bổng 322 và gần đây nhất là Học bổng Nghiên cứu của Đại học Monash Úc), chúng tôi i xin tổng kết một số học bổng chính mà các thầy cô cũng như các em sinh viên khoa tiếng Anh có thể tham gia nộp hồ sơ xét tuyển.

 

I. HỌC BỔNG CHÍNH PHỦ ÚC

Hiện nay, Úc là nước đứng đầu trong danh sách các nước trên thế giới cung cấp các học bổng toàn phần cho Việt Nam. Một số chương trình học bổng lớn của Úc bao gồm:

 

1. Học bổng Phát triển Úc và Học bổng Lãnh đạo Úc (từ năm 2013 đổi tên thành Học bổng Chính phủ Úc - AAS). Hàng năm có khoảng 250 xuất cho công dân Việt Nam theo học khóa học Thạc sĩ và Tiến sĩ tại Úc. Học bổng phù hợp với sự hỗ trợ phát triển của Úc tại Việt Nam, tập trung vào phát triển nguồn nhân lực trong các ngành ưu tiên, trong đó có chuyên ngành giảng dạy tiếng Anh.

 

Điều kiện xét tuyển: Ứng viên phải:

- Là công dân Việt Nam đang sống ở Việt Nam và không có quyền cư trú dài hạn ở các nước khác;

- Không được mang quốc tịch hoặc có hộ khẩu thường trú ở bất kỳ quốc gia nào khác;

- Có ít nhất hai năm kinh nghiệm làm việc ở Việt Nam, trừ các ứng viên có hoàn cảnh khó khăn;

- Có bằng đại học chính quy (nếu xin học Thạc sĩ) hoặc bằng Thạc sĩ (nếu xin học Tiến sĩ);

- Có điểm IELTS ít nhất 5.5 đối với bậc học Tiến sĩ, Thạc sĩ nghiên cứu, và giảng viên tiếng Anh và 4.5 đối với các ứng viên khác (nhóm đối tượng thuộc diện khó khăn sẽ được ưu tiên).

 

Thời gian nhận hồ sơ: Nộp hồ sơ trực tuyến từ tháng 2 đến tháng 6 hàng năm.

 

Các giấy tờ yêu cầu:

+ Đơn xin học bổng

+ Bản sao giấy khai sinh

+ Bản sao CMTND hoặc hộ chiếu

+ Bằng đại học/thạc sĩ (tiếng Anh và tiếng Việt)

+ Bảng điểm đại học/thạc sĩ (tiếng Anh và tiếng Việt)

+ Thư giới thiệu của cơ quan theo mẫu trên website ASDiV

+ CV có dán ảnh hộ chiếu, có dấu chứng nhận của cơ quan

+ Hợp đồng lao động

+ Thư mời học của trường đại học Úc (không bắt buộc)

+ Tóm tắt đề cương nghiên cứu (đối với ứng viên theo học khóa Thạc sĩ nghiên cứu hoặc Tiến sĩ)

 

Tiêu chí tuyển chọn

+ Kết quả học tập

+ Lựa chọn ngành học phù hợp

+ Trình độ chuyên môn và phẩm chất cá nhân

+ Khả năng đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam

+ Phẩm chất lãnh đạo

 

Xin tham khảo thêm tại Website: www.asdiv.edu.vn

 

2. Học bổng Endeavour

 

Học bổng Endeavour do Bộ Giáo dục, Nghiên cứu Khoa học, Sáng chế và Ngành nghề Úc (DIISRTE) quản lí. Học bổng chỉ dành cho các khóa học nghiên cứu của bậc Thạc sĩ và Tiến sĩ. Học bổng Endeavour có đặc điểm

+ Không hạn chế độ tuổi

+ Dành cho các ngành nghề, lĩnh vực

+ Nộp hồ sơ trực tuyến

+ Có cán bộ phụ trách hỗ trợ trong suốt thời gian thực hiện học bổng ở Australia

+ Các hồ sơ xuất sắc từ 10 nước Châu Á trong đó có Việt Nam sẽ được xem xét để trao Học bổng Thủ Tướng Australia dành cho Châu Á (Prime Minister’s Australia Asia Awards).

 

Điều kiện xét tuyển:

Học bổng Endeavour là chương trình học bổng có tính cạnh tranh toàn cầu, xét duyệt dựa trên thành tích học tập, cung cấp cơ hội học tập, nghiên cứu, và phát triển chuyên môn ở Úc. Điều kiện xét tuyển cũng giống như đối với học bổng AAS tuy nhiên ứng viên cần phải có điểm IELTS ít nhất là 6.5 khi nộp hồ sơ.

 

Thời gian nhận hồ sơ: Tháng 4 tới tháng 7 hàng năm

 

Các giấy tờ yêu cầu:
Học bổng này cũng yêu cầu các giấy tờ tương tự như Học bổng Chính phủ Úc AAS, tuy nhiên ứng viên bắt buộc phải có thư mời học của một trường đại học Úc.

 

Tiêu chí tuyển chọn:

Học bổng ngoài việc nhấn mạnh vào khả năng nghiên cứu của ứng viên còn chú trọng đến những đóng góp cho cộng đồng của ứng viên.

Xin tham khảo thêm tại trang web:

http://www.innovation.gov.au/InternationalEducation/EndeavourAwards/Pages/ApplyNow.aspx

 

3. Học bổng nghiên cứu sau đại học IPRS: Các học bổng này được quản lí bởi các trường Đại học của Úc. Do đó mỗi trường sẽ có những tiêu chí riêng để xét chọn học bổng. Thông thường mỗi trường sẽ có 2 đợt xét tuyển thường kết thúc vào tháng 3 và tháng 8 hàng năm. Là một ứng viên thành công của chương trình học bổng này, kinh nghiệm quý báu nhất mà chúng tôi đúc kết được đó là niềm đam mê nghiên cứu (dù có thể đó chỉ là các nghiên cứu nhỏ mà bạn đã xuất bản bạn cũng nên liệt kê trong quá trình xin học bổng) và hơn nữa là sự kiên trì. Bạn không thể hi vọng là bạn nộp hồ sơ và có thể thành công ngay được.

 

II. HỌC BỔNG CHÍNH PHỦ NEW ZEALAND (HỌC BỔNG ASEAN)

 

Chính phủ New Zealand, thông qua Chương trình Viện trợ New Zealand, cấp học bổng cho các ứng viên bậc sau đại học đến từ Việt Nam đáp ứng yêu cầu của chương trình để theo học các khoá liên quan đến phát triển tại trường đại học ở New Zealand (mỗi năm khoảng 30 suất học bổng).

Điều kiện xét tuyển:

-       Là công dân Việt Nam và dưới 45 tuổi vào thời điểm nộp hồ sơ xin học bổng

-       Phải sinh sống và làm việc tại Việt Nam ít nhất hai năm trước khi nộp hồ sơ xin học bổng

-       Không phải là công dân hoặc không có thẻ cư trú tại Niu Di Lân, Úc, và các nước phát triển khác

-       Không kết hôn với người có quốc tịch hoặc đang cư trú tại Niu Di Lân, Úc và các nước phát triển khác

-       Đáp ứng điều kiện nhập học, bao gồm tiêu chuẩn về trình độ tiếng Anh của Trường đại học Niu Di Lân mà ứng viên có nguyện vọng xin học (ít nhất 6.5 IELTS)

-       Có bằng Đại học chính quy với kết quả học tập tốt và phù hợp với ngành học xin học bổng (NZAID ưu tiên những ứng viên chưa có bằng đại học và trên đại học tại các nước công nghiệp phát triển)

-       Ứng viên nộp hồ sơ cho học bổng NZDS - Khối nhà nước phải có ít nhất hai năm kinh nghiệm làm việc tại các cơ quan chính phủ và hiện vẫn đang làm việc tại các cơ quan chính phủ. 

-       Thư mời học của trường đại học New Zealand (bắt buộc)

 

Thời gian nhận hồ sơ: Từ khoảng tháng 4 cho đến đầu tháng 7 hàng năm.

 

Các giấy tờ yêu cầu:

Các giấy tờ yêu cầu của học bổng ASEAN tương đối giống với các yêu cầu về giấy tờ của học bổng AAS ở trên. Ngoài ra ứng viên phải bắt buộc có hai thư giới thiệu của giáo sư ở đại học và một thư giới thiệu của người quản lí trực tiếp.

 

Tiêu chí tuyển chọn

Các tiêu chí tuyển chọn tương đối giống với Học bổng Chính phủ Úc AAS, tuy nhiên học bổng này chú trọng tới sự cân đối giữa các vùng miền và các khu vực ngành nghề. Kinh nghiệm của chúng tôi đối với học bổng này đó là khi làm hồ sơ bạn nên hướng đến việc bạn sẽ làm gì cho sự phát triển của Việt Nam sau này. Gần đây, học bổng New Zealand có mức độ cạnh tranh ngày càng cao và do đó yêu cầu hồ sơ của bạn phải thực sự nổi bật cũng như bạn cần phải biết rõ mình đã và sẽ làm được gì khi về nước.

 

Truy cập vào website http://www.nzembassy.com/vietnam hoặc http://www.aid.govt.nz/ để biết thêm chi tiết.

 

III. HỌC BỔNG CHÍNH PHỦ MỸ

 

1. Học bổng Fulbright

Được thành lập năm 1946 với nguồn tài trợ từ Quốc hội Mỹ, chương trình Fulbright hướng tới mục tiêu tăng cường hiểu biết lẫn nhau thông qua trao đổi văn hoá và giáo dục. Đây là chương trình cạnh tranh công bằng dựa trên thành tích và năng lực cá nhân. Người được cấp học bổng sẽ theo học chương trình thạc sĩ tại Mỹ. Chương trình Fulbright khuyến khích các ngành khoa học xã hội như giáo dục, truyền thông, báo chí, quan hệ quốc tế, công tác xã hội, giảng dạy tiếng Anh…

Đối tượng tham gia chương trình: Là công dân Việt Nam, có ít nhất hai năm kinh nghiệm kể từ khi tốt nghiệp đại học đến thời điểm nộp hồ sơ, có điểm TOEFL iBT tối thiểu là 79 , điểm IELTS 6.5 còn giá trị sử dụng.

Cách thức đăng ký:

Ứng viên nộp bộ hồ sơ bao gồm:

  • Đơn xin học bổng
  • 3 thư giới thiệu
  • Bản sao kết quả TOEFL/IELTS còn hiệu lực
  • Bản sao bảng điểm, bằng cấp (dịch và công chứng)

Thời gian nhận hồ sơ: Từ khoảng tháng 1 đến tháng 5 hàng năm

 

Truy cập vào website http://apply.embark.com/students/fulbright/international/20 để biết thêm chi tiết.

 

IV. HỌC BỔNG CỦA LIÊN MINH CHÂU ÂU (ERASMUS MUNDUS)

Mục tiêu tổng thể của chương trình học bổng Erasmus Mundus là nâng cao chất lượng giáo dục trình độ cao của Châu Âu thông qua việc tăng cường hợp tác với các nước thứ ba; khuyến khích và thúc đẩy các sinh viên tốt nghiệp trình độ cao và các học giả từ khắp nơi trên thế giới tới học tập và trải nghiệm cuộc sống ở Liên minh châu Âu (EU). Học bổng Erasmus Mundus thường chia ra thành ba giai đoạn.

+ Giai đoạn 1: Chương trình đào tạo chung cho Thạc sĩ và Tiến sĩ;

+ Giai đoạn 2: Các dự án đối tác có cấp học bổng giữa các trường đại học của Châu Âu và các nước thứ ba;

+ Giai đoạn 3: Quảng bá giáo dục đại học Châu Âu thông qua các khóa học ngắn hạn.

Các ứng viên Việt Nam có thể tham gia cả 3 giai đoạn này. Tuy nhiên đối với sinh viên khoa tiếng Anh thì việc nộp đơn cho Giai đoạn 1 sẽ là phù hợp hơn cả. Giai đoạn 1 thường nhận hồ sơ vào mùa xuân.  

 

Truy cập vào website http://eacea.ec.europa.eu/erasmus_mundus/index_en.php để biết thêm chi tiết.

 

VI. HỌC BỔNG TIẾN SĨ THEO ĐỀ ÁN 911 CỦA VIỆT NAM

 

Đề án được căn cứ Quyết định số 911/QĐ-TTg ngày 17/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án đào tạo giảng viên có trình độ Tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020. Các ngành học theo nhu cầu đào tạo giảng viên của các trường và nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước, ưu tiên đào tạo các ngành khoa học kỹ thuật, công nghệ, khoa học tự nhiên, nông nghiệp và một số ngành khoa học xã hội và nhân văn.

Học bổng dành cho các đối tượng là giảng viên biên chế, giảng viên hợp đồng làm việc tại các trường đại học, học viện; sinh viên tốt nghiệp đại học, học viên tốt nghiệp thạc sĩ trong vòng 12 tháng tính đến ngày dự tuyển, có nguyện vọng và cam kết đi học để về làm giảng viên đại học, cao đẳng.

Mỗi năm có khoảng hơn 1.000 chỉ tiêu đến học tập, nghiên cứu tại các cơ sở ở các quốc gia sau: Anh, Úc, Niu Di-lân, Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nhật Bản, Xin-ga-po, Hàn Quốc, Ca-na-đa, các nước khác.

Thời gian nộp hồ sơ từ tháng 1 đến tháng 4 hàng năm.

Thông tin chi tiết có thể xem tại: http://tuyensinh.vied.vn/

VII. MỘT SỐ HỌC BỔNG KHÁC

Ngoài những học bổng trên còn có những học bổng danh giá khác từ Chính phủ các nước hoặc các tổ chức quốc tế. Độc giả có thể tìm kiếm thông qua Google hoặc vào trang Web của đại sứ quán các nước.

-       Học bổng Chính phủ Anh Chevening

-       Học bổng toàn phần tại Ý (các trường cấp học bổng Ý bao gồm Bách khoa Milan, Bách khoa Torino, Trento và Luiss)

-       Học bổng tại Hà Lan (hai chương trình học bổng lớn của Hà Lan là Huygens và NFP)

-       Học bổng toàn phần tại Đức (Học bổng DAAD)

-       Học bổng toàn phần tại Pháp (Học bổng Eiffel)

-       Học bổng toàn phần tại Nhật (Học bổng Mext hay Monbusho và Học bổng JDS)

-       Học bổng của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)

 

Thay cho lời kết chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng các học bổng nói trên đều là các học bổng danh giá và việc đạt được học bổng và trải nghiệm cuộc sống ở một đất nước phát triển sẽ là một trải nghiệm quý giá đối với mỗi người học ngoại ngữ. Còn nhớ khi chúng tôi đang quá trình tìm học bổng, đôi khi tôi cảm thấy dường như mình không thể thành công nhưng một người bạn thân đã nói rằng “em ạ, chẳng có gì đến dễ dàng cả”. Và chỉ khi trải qua một quá trình nộp học bổng dài đằng đẵng và nhiều khó khăn, bạn sẽ thấy phần thưởng học bổng sẽ “rewarding” hơn rất nhiều.

Cập nhật: 5/6/2015 - Lượt xem: 2569

Bài cùng chuyên mục